Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, việc kiểm soát AI cũng trở thành vấn đề không nhỏ khi nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đã và đang hiện hữu. Điều này đòi hỏi cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về AI.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, tại Việt Nam, AI đã được nhắc tới nhiều trong những năm gần đây. Là một công nghệ lưỡng dụng được ví như “con dao hai lưỡi”, AI được sử dụng cho cả mục đích tấn công và cả mục đích phòng thủ. Mối đe dọa lớn nhất là các hacker sử dụng AI để tạo ra các cuộc tấn công tinh vi hơn; tạo ra các phần mềm độc hại, dò quét và phát hiện những lỗ hổng để từ đó vượt qua các phương pháp bảo vệ và tấn công vào hệ thống thông tin.
Đáng chú ý, khi phát động các cuộc tấn công lừa đảo có mục tiêu, hacker còn dùng AI tạo thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp song việc tội phạm công nghệ cao ứng dụng AI để tạo ra các kịch bản và tổ chức lừa đảo trên mạng xã hội đang trở nên phổ biến, khiến cho nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh rủi ro lớn khi AI hỗ trợ các chiến dịch lừa đảo trực tuyến, lãnh đạo Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra một số rủi ro khác mà công nghệ AI đưa đến cho lĩnh vực an toàn thông tin mạng. Đó là việc hacker sử dụng AI để tối ưu hóa các cuộc tấn công mạng, phát triển các phần mềm độc hại và đặc biệt là mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cũng nhận định, AI đang thực hiện nhiều việc mà trước đây chỉ con người mới có thể xử lý được và thậm chí còn vượt qua con người trong một số lĩnh vực. AI đang ảnh hưởng đến mọi ngành công nghiệp nói chung và ảnh hưởng tới lĩnh vực an toàn thông tin mạng ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt khi có sự hỗ trợ của AI, nguy cơ, mối đe dọa an toàn thông tin sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, để tạo ra một không gian mạng an toàn, bảo vệ người dân trước các nguy cơ tấn công từ không gian mạng, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách và các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng, cần có sự chung tay, hợp lực liên tục và thường xuyên của toàn xã hội.
Chia sẻ tại sự kiện “An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo” do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa tổ chức vào cuối tháng 5/2024, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an khẳng định, AI đang mang lại nhiều rủi ro và thách thức về cả xã hội, pháp lý và an ninh mạng.
Theo ông Tuấn, về mặt xã hội, AI gây lo ngại xâm phạm quyền riêng tư; AI bị lợi dụng để phân biệt chủng tộc, giai cấp, giới tính, dân tộc, gây mâu thuẫn, xung đột gay gắt hơn; cung cấp thông tin sai sự thật, đánh tráo khái niệm, thay đổi lịch sử, bóp méo sự thật gây xáo trộn dư luận, ảnh hưởng giáo dục và văn hóa. Về mặt pháp lý và chính sách, theo thống kê tại legalnodes.com, có khoảng 33 quốc gia đã xây dựng dự thảo pháp lý về AI nhưng còn hạn chế, chưa có bộ quy chuẩn chung về AI mang tính tổng thể.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro từ AI như: Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về AI để đón đầu xu thế, ban hành văn bản quy định về đạo đức trong quá trình phát triển, sản xuất, ứng dụng AI như bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân, quyền con người của các đơn vị trong và ngoài nước; quy định rõ ràng hơn các hành vi phạm tội bằng AI; có quy chuẩn cụ thể về nền tảng kết nối, chia sẻ, trao đổi liên quan đến AI. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng các công trình AI để chống lại rủi ro về AI.
Ngoài ra, phát triển AI phải song hành với vấn đề an ninh mạng và an toàn thông tin để tránh việc bị tấn công, chiếm quyền điều khiển gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: cand.com.vn: