Sau nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến người dân lo ngại môi trường kinh doanh bất ổn ở các quán xá, trường học và đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Lúc 11h30 ngày 20/5/2024, chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học Chương Dương trên đường An Bình, phường 6, quận 5, TP Hồ Chí Minh, thấy nhiều học sinh đứng vây quanh một xe thực phẩm đường phố, mua đủ loại từ bánh tráng trộn, gỏi đu đủ, xoài lắc… chia nhau ăn. Thậm chí có những bậc phụ huynh chở sau xe gắn máy hai ba em học sinh cũng ghé mua rồi cùng nhau ăn uống vô tư mà đáng lẽ họ phải là người hiểu và khuyên nhủ các em không nên sử dụng những loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh này, nhằm tránh gây ngộ độc làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau 15 phút chứng kiến cảnh mua bán đồ ăn vặt trước cổng trường này, chúng tôi thấy người đàn ông bán thực phẩm không sử dụng bao tay tiệt trùng mà dùng hai bàn tay bốc hết thứ này đến thứ khác bỏ vào thau nhựa đã sờn vành rồi nhào trộn xong đưa cho khách. Mỗi lần trộn xong một món, họ không dùng nước rửa, mà lấy giẻ lau đen sì nhét ở dưới yên xe ra lau chùi dụng cụ là chiếc thau, đôi đũa, cái muỗng rồi tiếp tục trộn món khác cho học sinh tiếp theo.
Giống như ở cổng Trường Tiểu học Chương Dương, lúc học sinh đến trường vào buổi sáng, tan học vào buổi trưa và cuối giờ chiều, tại cổng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, phường 11, quận 6 cũng luôn có hàng chục phương tiện bán thực phẩm đường phố án ngữ phía trước, bán đủ loại từ kẹo kéo, bò bía ngọt cho đến xiên nướng, súp, bánh mì bơ sữa… Những xe bán thực phẩm đường phố này luôn thu hút đông học sinh vây quanh, mỗi cháu mua một món rồi chia nhau ăn chung nhưng các bậc cha mẹ khi đưa, đón con dù nhìn thấy cũng không khuyên can mà thậm chí còn nhét tiền bảo con thích loại nào thì cứ mua vô tư.
Anh Trần Thắng, một phụ huynh học sinh tiểu học ở quận 6 than thở: “Năm trước, vì chiều con nên dù biết không thể kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tôi vẫn nhắm mắt mua hai cuốn bò bía ở cổng trường cho con gái ăn. Nhưng vừa về đến nhà, cháu kêu đau bụng, buồn nôn nên tôi lập tức đưa đến bệnh viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết cháu bị ngộ độc thức ăn cấp và phải tiến hành rửa ruột để tránh viêm nhiễm. Sau lần ấy, tôi quyết tâm không cho con đụng chạm đến bất cứ loại thức ăn đường phố nào nữa, nhưng cứ mỗi buổi sáng đến trường hoặc giờ tan học, nhìn các bạn tụm quanh những chiếc xe bán các loại thức ăn đường phố thì cháu lại nằng nặc đòi mua. Không cho thì cháu giận hờn, về nhà bỏ ăn, bỏ học bài, không chịu nghe lời cha mẹ nên mỗi lần như vậy, vợ chồng tôi phải dỗ ngọt vài tiếng đồng hồ cháu mới chịu nói chuyện”.
Anh Thắng cho hay, mặc dù rất vất vả, nhưng vợ chồng anh bảo nhau phải kiên trì dạy dỗ con và sau hơn một năm, cháu đã ý thức được việc không ăn thức ăn đường phố. Vợ chồng anh Thắng cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, mong muốn các cấp chính quyền, các ban, ngành chức năng cần mở những lớp tập huấn về ATTP cho những người bán hàng rong, trường hợp không chấp hành thì mạnh tay xử lý nhằm tránh bị thức ăn đường phố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình.
Chị Nguyễn Hương, phụ huynh học sinh (PHHS) có con học tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết, gần đây có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra, không riêng gì ở trường học. Đặc biệt, nơi tập trung nhiều người, ăn cùng loại thực phẩm của cùng một nơi cung cấp như trường học thì sẽ xảy ra hàng loạt, mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của từng bé, số lượng thực phẩm các bé ăn vào nhiều hay ít.
PHHS không nên mua đồ ăn trước cổng trường hoặc không cho tiền các bé mua đồ ăn vặt trước cổng trường mà nên trang bị cho các bé những đồ ăn bảo đảm ATTP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và còn hạn sử dụng hoặc các bé có thể mua đồ ăn trong căng tin của nhà trường phải được kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc và hạn sử dụng một cách nghiêm ngặt, không phó thác cho phía căn tin muốn bán gì thì bán. Để các bé không phải lén lút mua quà vặt trước cổng, nhà trường cần phối hợp, thông báo cho đội trật tự đô thị khi có trường hợp bán hàng rong trước cổng trường để có biện pháp xử lý.
“Nỗi lo lắng về nguồn thực phẩm mà nhà trường mua để thực hiện công tác bán trú cho học sinh là nỗi lo hàng đầu của tất cả PHHS. Nhà trường phải công khai nhà cung cấp thực phẩm và giấy phép ATTP của đơn vị cung cấp để PH yên tâm. Bên cạnh đó, việc PH giám sát bếp ăn và bữa ăn bán trú cũng cần được nhà trường tạo điều kiện cho PH thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng là cần thiết”, chị Hương cho biết.
Hàng rong không chỉ vây quanh cổng trường học mà tại khu vực cổng các bệnh viện cũng rất nhiều người bán, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tại Bệnh viện Ung bướu trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5,… luôn có đội ngũ đông đảo các xe đẩy chất đủ loại thức ăn như hoa quả, nước sâm, ngô luộc, chuối chiên, cá viên chiên, bánh mì kẹp thịt… án ngữ trước cổng. Hầu hết các loại thực phẩm này không được che đậy mà luôn được bày trên mặt xe đẩy phơi nắng, mưa, gió, bụi tràn vào, ruồi nhặng đu bám. Khi phát hiện có lực lượng chức năng đi tuần tra thì những người bán hàng lập tức dùng tấm nilon gom tất cả các loại thức ăn cùng nước chấm vào một bọc rồi nhét vào thùng xe trước khi bỏ chạy, khi những người thực thi công vụ đi qua, họ lại đẩy ra rồi dùng tay trần nhặt thức ăn bày ra bán tiếp.
Xô bồ nhất có lẽ là khu phía đối diện cổng chính và cổng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, ngoài những tủ thức ăn của người dân địa phương bán trước cửa nhà, hằng ngày luôn có hàng trăm phương tiện xe đẩy gắn tủ đựng đủ loại thực phẩm vây kín một đoạn đường dài đến vài trăm mét dọc theo đường Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Đại Hành thuộc các phường 12, quận 5 và phường 4, 7, quận 11. Những người buôn bán thực phẩm đường phố ngang nhiên kê bàn ghế, dựng xe đẩy chiếm hết vỉa hẻ và tràn xuống gần kín mặt đường Lê Đại Hành đoạn từ ngã ba Nguyễn Chí Thanh đến gần đoạn giao nhau với đường Trần Quý khiến cho các loại phương tiện rất khó, thậm chí là không thể lưu thông vào buổi sáng hoặc giờ tan tầm.
Thực phẩm đường phố đủ các loại, từ thức ăn vặt như xoài lắc, bò bía, bắp xào, bánh tráng trộn, cá viên chiên, kem, cho đến cơm, cháo, phở, hủ tiếu, bánh canh, thịt nướng… với nguồn nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người bán hàng rong vận chuyển những thực phẩm này đến nơi tụ tập đông người để bán như cổng các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, công viên, phố đi bộ... không chỉ mất ANTT mà còn không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Tác giả: BÁO CAND
Nguồn tin: Báo CAND:
Đăng Ký Vn88: Trang Chủ thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...