Thảo luận tại hội trường, đa số Đại biểu Quốc hội nhất trí quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án. Bởi, qua báo cáo của Bộ Công an cho thấy, đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng).
Bà Nguyễn Việt Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn sắc có tính sát thương rất cao như dao bầu, dao phay, dao quắm giết người với tình tiết rất manh động, gây bức xúc.
Thực tế có hiện tượng thanh niên tự hoán cải các loại dao để sử dụng làm công cụ phạm tội tuy nhiên không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí do đó cần bổ sung vào Luật dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.
Theo ông Nguyễn Đại Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên , vũ khí tự chế, gắn dao phóng vào tuýp sắt, nẹt bô kéo lê trên đường gây rất hoang mang, thậm chí rất manh động sẵn sàng thực hiện việc gây án ngay. Tuy nhiên không thể xử lý được hành vi tàng trữ sử dụng vũ khí. Cho nên nếu như quy định như này trong dự thảo thì tôi tin sẽ nhận được sự đồng tình, ủng của cử tri và nhân dân.
Qua thảo luận, các đại biểu cũng nhất trí cao với việc bổ sung đưa linh kiện vũ khí vào nhóm vũ khí quân dụng, bởi trong thực tế lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng trăm nghìn linh kiện vũ khí nhưng không có căn cứ để xử lý đối tượng.
Bà Phúc Bình Niê Kdăm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho hay, hiện nay các đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật đã tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán và vận chuyển trái phép, hành vi này đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng ra tăng, vì vậy việc bổ sung linh kiện vũ khí trong dự thảo luật là phù hợp. Tôi cũng nhất trí cao với việc bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng trong các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng.
Ông Nguyễn Sỹ Quang, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận định, những đối tượng xấu, những đối tượng có tiền án, tiền sự thì luôn luôn thủ mã tấu, dao lê, vũ khí tự chế, vũ khí quân dụng trong người và khi phát sinh mâu thuẫn thì trở thành tội phạm ngay, nếu quản lý chặt cái này thì có thể ngăn chặn được tội phạm. Thứ 2 là phương thức của loại buôn bán vũ khí hiện nay là tháo rời linh kiện để gửi qua đường bưu điện sau đó ráp lại đây là phương thức chủ yếu hiện nay do vậy chúng ta quy định như này sẽ ngăn chặn được loại tội phạm này.
Cho rằng việc xem xét sớm ban hành luật này với những quy định mới có vai trò quan trọng trong phòng chống tội phạm, đảm bảo sự bình yên đời sống của nhân dân. Tuy nhiên một số ý kiến đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn, quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, tránh gây xáo trộn đời sống và sản xuất của người dân.
Thay mặt ban soạn thảo dự án Luật, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá về những tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội để khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo luật được chặt chẽ hơn, chất lượng hơn trước khi trình Quốc hội thông qua.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Tác giả: Theo ANTV