Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ vừa được Bộ Công an (đơn vị chủ trì soạn thảo) hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới, đã đề xuất các biện pháp mà lực lượng CSGT được sử dụng để phát hiện vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ.
CSGT được sử dụng nhiều loại thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm
Cụ thể, Điều 66 của dự thảo nêu rõ, lực lượng tuần tra kiểm soát (TTKS) được vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ. Được sử dụng hệ thống camera điều hành giao thông và hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm soát tải trọng xe cơ giới. CSGT được sử dụng thêm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông. Cơ quan chức năng được phép khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, ghi nhận hình ảnh người lái xe, bảo đảm an toàn hành trình theo quy định; tiếp nhận dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe. Khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ. Khi tuần tra kiểm tra, CSGT còn quan sát, kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu trực tiếp để phát hiện những hành vi vi phạm trên đường bộ.
Ngoài ra, CSGT sẽ tiếp nhận, xử lý tin báo, phản ánh, kiến nghị, dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân theo quy định của Chính phủ.
Còn tại Điều 65, dự thảo này quy định CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây: Một là, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác. Hai là, thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch TTKS của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát mới phát hiện được. Ba là, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh. Bốn là, có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi nào được huy động phương tiện của người khác?
Theo đề xuất của Bộ Công an, khi thực hiện nhiệm vụ TTKS chỉ huy, điều khiển giao thông hay giải quyết tai nạn giao thông, CSGT được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.
Việc này được thực hiện trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Trong trường hợp cấp bách, CSGT đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt, CSGT đã huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin: Báo CAND: