Cụ thể, chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, giúp nhận diện lai lịch của một con người. Cân nhắc một số thông tin như "nơi cư trú", "nơi thường trú", "nơi sinh", "nơi đăng ký khai sinh", "giới tính", "ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng", bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.
Cân nhắc thông tin về cơ quan cấp căn cước, hình dạng, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ... của căn cước bảo đảm phù hợp. Đồng thời, đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên căn cước.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về quy cách, ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, chất liệu của căn cước...
Giải trình nội dung này, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng việc thay đổi về thông tin thể hiện trên căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng luật, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay.
Việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (theo dự thảo luật) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, sẽ bỏ những thông tin "quê quán", sửa đổi "số căn cước công dân" thành "số định danh cá nhân", "căn cước công dân" thành "thẻ căn cước", "nơi thường trú" thành "nơi cư trú", bổ sung "nơi đăng ký khai sinh"...
Việc này để tạo thuận lợi hơn cho người dân, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên căn cước.
Việc tích hợp cả QR code và chip điện tử trên căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia các giao dịch dân sự, hành chính trong xã hội.
Trước mắt Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam (có tính chất bắt buộc), không cấp căn cước như đối với công dân Việt Nam vì họ chưa đủ các điều kiện cấp căn cước như công dân Việt Nam.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã bổ sung, chỉnh lý quy định trong dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.
Về người được cấp căn cước, thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết theo báo cáo của Chính phủ, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học. Bên cạnh đó, pháp luật về xuất nhập cảnh đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt.
Căn cước tuy không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này.
Mặt khác, căn cước nhỏ gọn, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác, góp phần thúc đẩy thực hiện Chính phủ số, xã hội số.
Chính phủ sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ đối với người dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng căn cước gắn chip.
Về lâu dài sẽ nghiên cứu, đánh giá thêm về độ tuổi bắt buộc phải cấp căn cước để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, thường trực ủy ban đề nghị cho giữ quy định này như dự thảo luật Chính phủ trình.
Cùng với đó, dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước của người dưới 14 tuổi.
Thẻ căn cước gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm: hình quốc huy, dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", dòng chữ "Căn cước", ảnh khuôn mặt, số định danh, họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, ngày cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng. Nơi cấp: Bộ Công an.
Dự thảo luật cũng quy định bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, chất liệu của căn cước.
Cùng với đó là thông tin được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa, nội dung thể hiện trên căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp người không có hoặc không thu nhận đầy đủ./.
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy