Để tránh bị mất tiền oan, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về đơn vị tổ chức và tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa xác định rõ danh tính người nhận.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, liên tục trong những ngày gần đây, tại nhiều địa phương trên toàn quốc như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội… đã xuất hiện việc một số đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản trên mạng xã hội Facebook như "Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND", "Trại hè học kỳ Quân đội", "Trại hè hướng nghiệp hàng không"... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan Công an, Quân đội, đơn vị hàng không. Các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị Công an, Quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng CAND, QĐND; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị Công an, Quân đội.
Khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của học viên và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram thực hiện các nhiệm vụ đóng tiền rồi chiếm đoạt tài sản. Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người dân đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia khóa học, tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng liền chiếm đoạt và chặn liên lạc.
Chia sẻ thêm về thủ đoạn lừa đảo mới này, một cán bộ của Học viện CSND, đơn vị uy tín thường xuyên tổ chức hoạt động trại hè học làm chiến sĩ Công an cho học sinh từ 8-15 tuổi cho biết: Thời gian gần đây, trên Facebook xuất hiện các fanpage giả mạo lực lượng Công an. Đặc biệt, trong khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 2024 số lượng trang giả mạo xuất hiện nhiều bất thường và chạy quảng cáo ồ ạt để tiếp cận người dùng.
Trong đó, riêng Học viện CSND bị giả mạo hình ảnh để quảng cáo dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo và Trại hè kỹ năng-Trại hè CAND. Phương thức, thủ đoạn chung của các trang Facebook giả mạo là đổi tên từ các page cũ có sẵn lượt theo dõi cao hoặc lập mới hoàn toàn theo tên gọi của các đơn vị như: Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, Cục An ninh mạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, Học viện CSND, Trại hè kỹ năng-Trại hè CAND…
Và ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị Công an, dẫn link đến các trang web chính thống của lực lượng Công an; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng Công an, đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Công an để đăng tải trong các bài viết quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo nhằm tạo niềm tin cho người dân và chạy quảng cáo, đăng tải các bài viết liên quan đến các nhu cầu của người dân để thôi thúc họ liên hệ, nhắn tin cho page giả mạo như: Trình báo các vụ việc, lấy lại tiền bị lừa đảo, tham gia các khoá huấn luyện…
Khi người dân có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang các app nhắn tin như Zalo, Telegram để che giấu hành tung, đồng thời tạo nhiều tài khoản giả mạo tham gia cùng để tạo hiệu ứng đám đông, tạo niềm tin cho nạn nhân. Tiếp đến, đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, không mất phí nhưng được trả số tiền nhỏ 20.000 đồng, 30.000 đồng, tiếp đến là các nhiệm vụ và thực sự được hoàn tiền nhưng khi số tiền tăng dần thì chúng bắt đầu tìm các lí do để trì hoãn, yêu cầu nạn nhân chuyển thêm để được hoàn tiền nhiều hơn nếu không sẽ mất trắng.
"Để tránh bị lừa đảo, phụ huynh học sinh có nhu cầu đăng ký cho con tham gia chương trình trại hè học làm chiến sĩ Công an, có thể truy cập vào fanfage chính thống "Học kỳ Công an" tại địa chỉ (//www.facebook.com/hockycongant02) hoặc gọi điện thoại trực tiếp vào số đường dây nóng của chương trình là 0358 518 318 hoặc 098 3481187 để được hướng dẫn chi tiết" - cán bộ của Học viện CSND cho biết.
Đại diện Phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên của Học viện Hàng không Việt Nam, đơn vị bị giả mạo tổ chức chương trình trại hè hướng nghiệp hàng không cũng cho biết: Học viện hiện không có khóa học trải nghiệm hàng không nào cho học sinh. Tuy nhiên, trên mạng xã hội lại đang xuất hiện nhiều fanpage đang mạo danh Học viện Hàng không Việt Nam. Các đối tượng dùng thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm tạo lòng tin của khách hàng như lấy toàn bộ logo, bài viết, hình ảnh... được copy từ trang web, Facebook, fanpage chính của nhà trường. Mục đích của các trang này là bán các khóa học trải nghiệm hàng không cho học sinh vào dịp hè để chiếm đoạt tiền.
Để tránh bị mất tiền oan, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cảnh giác trước các hình thức mạo danh các đơn vị tổ chức trại hè để lừa đảo. Người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Nguồn tin: Báo CAND: