Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành luật, thực tiễn cho thấy có những vấn đề mới phát sinh và những hạn chế cần được khắc phục. Trước những thách thức mới, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo dự thảo, Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.
Toàn văn Dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp đến ngày 06/12/2023. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.
Tác giả: Đào Quốc Thăng