Thực hiện Quyết định số 1764/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, Bộ Công an ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 trong Công an nhân dân.
Mục tiêu của Chương trình nhằm quán triệt đến cấp ủy, Thủ trưởng Công an các cấp và cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, phục vụ công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của lãnh đạo Công an các cấp và cán bộ, chiến sĩ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được lượng hóa tối đa
Bộ Công an yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện, gắn kết giữa các lĩnh vực, nhiệm vụ, huy động sự tham gia của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cải cách thủ tục hành chính; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được lượng hóa tối đa, phù hợp với tình hình thực tế của Công an các đơn vị, địa phương, bảo đảm thực chất, có cơ sở cho việc đánh giá, kiểm tra, giám sát theo quy định.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, phấn đấu rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, thủ tục đầu tư, tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức của các đơn vị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Công an đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 cụ thể như sau:
Trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước, trong đó kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định pháp luật, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình. Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết, phấn đấu tiết kiệm từ 5-10% so với dự toán kinh phí được giao.
Thực hiện giảm dần chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nâng mức độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên theo lộ trình; nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để góp phần cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập của người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và kinh phí mua sắm được giao năm 2024, phấn đấu giảm 10%-15% thời gian thẩm định hồ sơ, thủ tục so với quy định đảm bảo các mục tiêu cụ thể như sau:
Đến ngày 30/6: các dự án chuyển tiếp giải ngân đạt ít nhất 40%; các dự án khởi công mới, dự toán mua sắm hoàn chỉnh xong thủ tục đầu tư, mua sắm, ký hợp đồng thực hiện và giải ngân đạt ít nhất 40% kế hoạch vốn được giao.
Đến ngày 30/9: Giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn được giao.
Đến ngày 31/12: Giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 được phép kéo dài (nếu có), 100% kế hoạch vốn xây dựng trong chi ngân sách an ninh và 100% kinh phí mua sắm. Đến ngày 31/01: Giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024.
Trong quản lý, sử dụng tài sản công: Tập trung đẩy nhanh công tác sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong CAND.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc Bộ Công an: Thực hiện tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai... của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực.
Nguồn tin: Báo Chính phủ